Google, Facebook đã đặt hàng ngàn máy chủ ở Việt Nam
Trong khi dư luận đang tranh cải gay gắt nhất, Facebook và Google từ lâu đã đặt hàng ngàn máy chủ tại các doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam, thậm chí còn được miễn phí dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ và cước kết nối Internet.
Cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra trên truyền thông và tại nghị trường Quốc hội về việc yêu cầu Facebook, Google…đặt máy chủ tại Việt Nam hay không, khi dự luật An ninh mạng được lấy ý kiến rộng rãi.
Tuy nhiên, trên thực tế Facebook và Google đã đặt máy chủ tại Việt Nam từ lâu. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử VTC News, Google, Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam thông qua các nhà mạng viễn thông lớn như VNPT, Viettel, FPT,…
Một thống kê về tình hình đặt máy chủ của Facebook, Google tại Việt Nam vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp có hạ tầng mạng lớn như: Viettel, VNPT, FPT,…đều đang cho Facebook, Google thuê chỗ đặt máy chủ tại trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp.
Cụ thể, Facebook có khoảng 300 máy chủ đặt tại Việt Nam với dung lượng khoảng 1900 Gbps. Trong đó, VNPT có số lượng nhiều nhất, khoảng 120 máy chủ.
Google có 1238 máy chủ đặt tại Việt Nam với dung lượng khoảng 8158 Gbps. Trong đó, VNPT vẫn dẫn đầu với 608 máy chủ được đặt.
Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp Việt Nam đều cho Facebook, Google được miễn cước dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ và cước kết nối Internet khi kết nối vào máy chủ của mạng Internet trong nước, quốc tế của doanh nghiệp. Trong khi, các nhà mạng này vẫn thu cước đối với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tương tự trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp viễn thông trong nước còn phối hợp với Facebook, Google cung cấp các gói cước cho khách hàng có lồng ghép dịch vụ kết nối đến Facebook, Google với mức giá hết sức ưu đãi như gói cước truy cập Facebook, Youtube của Viettel, gói 3G Facebook của MobiFone,…
Vẫn theo tìm hiểu của VTC News, khi cho phép Google, Facebook đặt máy chủ, các doanh nghiệp viễn thông trong nước không khai báo cụ thể khi Facebook, Google đặt máy chủ tại Việt Nam cho cơ quan quản lý (Bộ Thông tin – Truyền thông) về mức giá, số lượng, ngày đặt,…
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho hay, trên thực tế có 2 loại máy chủ được Google, Facebook sử dụng để quản lý người dùng. Đó là máy chủ quản lý thông tin và máy chủ quản lý dữ liệu cá nhân.
Vị này cho biết, cả hai loại máy chủ của Facebook, Google đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên, máy chủ quản lý dữ liệu cá nhân chỉ được đặt ở một số quốc gia trên thế giới (không có máy chủ tại Việt Nam). Máy chủ này cho phép quản lý mọi thông tin của người sử dụng và có tính bảo mật rất cao.
Trong khi đó, 100% máy chủ đặt tại Việt Nam thuộc diện thứ 2 là máy chủ quản lý thông tin. “Loại máy chủ này hầu như quốc gia nào cũng có. Máy chủ này cho phép quản lý mọi thao tác hàng ngày của người sử dụng.
Ví dụ, hôm nay bạn lướt Facebook cái gì, trang website gì đều được lưu trữ tại ở máy chủ này”, chuyên gia cho biết.
Một nguồn tin cho hay, các doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, VNPT hay FPT, thậm chí phải “xin” Facebook, Google đặt máy chủ tại các doanh nghiệp. Chính vì vậy, mức phí phải trả của 2 ông lớn ngành công nghệ thế giới cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước gần như bằng 0.
Điều này đã tạo ra sự bất công đối với các doanh nghiệp “nội” và các ông lớn của thế giới ngay chính tại sân nhà.
Tuy nhiên, việc các mạng “biếu không” cho Facebook và Google không phải là không có lý do. Giới chuyên gia nhận định, nếu Facebook và Google không đặt máy chủ tại Việt Nam, thì người Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi nhất.
“Nếu không đặt máy chủ tại Việt Nam, người Việt Nam khi lướt Facebook, Google hay xem Youtube sẽ phải chịu khoảng phí roaming đắt tới 200 lần”, vị này cho biết.
Cậy thế ông lớn Google, Facebook hành xử vô luật pháp ở Việt Nam
Mặc dù rất nhiều lần, các cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ những thông tin xấu, độc hại gây ảnh hưởng tới xã hội, song cũng không ít lần 2 doanh nghiệp trên lờ đi, không có phản hồi.
Kể từ đầu tháng 2/2017 cho tới 31/7/2017, theo yêu cầu của Bộ Thông tin – Truyền thông, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 3259 video clip xấu độc hại trên Youtube.
Trong khi đó, Facebook đã gỡ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Số lượng các video clip và tài khoản đã bị Google, Facebook chặn hay gỡ bỏ còn quá ít so với số lượng thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam được đăng tải lên mỗi ngày.
Nguyên nhân là do Google, Facebook cho phép người dùng thoải mái đăng nội dung lên nền tảng của họ và chỉ khi có yêu cầu từ người sử dụng thì mới tiến hành kiểm tra, thẩm định theo mọi quy trình và mất rất nhiều thời gian (họ cho dịch toàn bộ nội dung từng video clip trên Youtube hoặc từng dòng trạng thái trên, bài viết vi phạm đăng trên Facebook sang tiếng Anh, sau đó cho nhiều bộ phận thẩm định chéo mới đi đến kết luận có vi phạm hay không).
Hiện nay, Facebook thường sử dụng “độc chiêu” lấy cớ có sự khác biệt về quan điểm chính trị, cách nhìn nhận, đánh giá thế nào là nội dung vi phạm giữa các bên liên quan.
“Chính vì vậy, rất nhiều thông tin xấu, độc hại được Nhà nước Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ nhưng Facebook và Google lờ đi, không phản hồi”, chuyên gia xin giấu tên cho biết.
Tin khác:
- Vivo Nex S và Nex A ra mắt, tràn viền cả 4 cạnh, camera selfie ẩn
- Xperia XZ2 Premium màn hình 4K, camera kép sẽ bán ra từ 2/7
0 Bình luận đánh giá
Gửi đánh giá của bạn