Đánh giá HTC One M9 Cấu hình ổn nghe nhạc chất giá hấp dẫn
One M9 vẫn tiếp tục kế thừa những điểm mạnh về thiết kế của dòng HTC One trước đây như ngoại hình đẹp, chất lượng hoàn thiện và vật liệu cao cấp. Màn hình của M9 vẫn rất tuyệt vời với khả năng hiển thị hình ảnh tốt nhưng lại bị thanh điều hướng ảo làm giảm đi trải nghiệm sử dụng. Camera trên máy không còn là UltraPixel nữa, HTC đã chuyển thành cảm biến loại phổ thông với độ phân giải 20 megapixel như một nỗ lực nhằm khắc phục lời phàn nàn về máy ảnh của M8. Tuy nhiên, có vẻ như HTC vẫn chưa làm tới cùng trong việc giải quyết hạn chế này. M9 vẫn chạy rất nhanh, và đáng chú ý là không bị nóng như lời đồn. Giao diện Sense 7 thì mượt mà, nhiều tính năng hữu ích và có khả năng đổi theme rất mạnh mẽ.
Thiết kế, ngoại hình
One M9 vẫn giữ lại những nét thiết kế đặc trưng của M8 và M7, điển hình như hai dải loa lớn ở mặt trước, các góc được bo trò hay vỏ nhôm nguyên khối chắc chắn. Nếu là một người mới xài sản phẩm HTC thì rất có thể bạn sẽ không nói đâu là M9, đâu là M8 nếu chỉ nhìn sơ qua. Nhưng việc duy trì thiết kế từ thế hệ trước không nhất thiết phải là một điều xấu bởi vì One M8 vẫn rất đẹp, rất “kích thích” ngay cả với một người đã xài máy được gần một năm như mình. Và với One M9, ngay từ lần đầu nhìn thấy nó, mình đã có cảm giác tương tự.
Điểm khác biệt rõ nhất giữa M8 và M9 đó là phần cạnh máy. Nếu như cạnh của M8 rất đơn giản và không khác so với những chiếc điện thoại trên thị trường thì M9 lại sử dụng thiết kế 2 lớp bắt mắt. Phiên bản mình trải nghiệm có viền vàng, kết hợp với lớp nhôm màu bạc nên vô cùng sang trọng. Đây cũng là màu mình thích nhất của One M9 (HTC gọi là Dual Tone), hai màu còn lại có bán chính hãng ở Việt Nam là xám GunMetal và vàng (còn màu hồng thì chưa thấy công ty nói gì). Kiểu làm cạnh máy như trên còn giúp cảm giác cầm M9 thích hơn, an toàn hơn do bề mặt viền trở nên phẳng và rộng, lại thêm phần vỏ nhôm hơi thụt vào giúp bám tay hơn. Trước đây khi dùng M8 mình luôn có cảm giác có thể đánh rơi nó bất kì lúc nào, còn khi xài M9 thì không thấy điều đó nữa.
Bù lại, M9 cho cảm giác dày hơn M8 khá nhiều mặc dù độ dày thực tế của chúng không quá chênh lệch (9,6mm trên M9 và 9,4mm trên M8). May mắn là mình không cảm thấy khó chịu gì về điều này cả.
One M9 năm nay cũng đã di chuyển nút nguồn sang cạnh bên phải thay vì đặt ở cạnh trên như hai thế hệ trước, và điều đó giúp mình bấm nút dễ hơn do không còn phải với tay lên tít ở trên nữa. Với những chiếc điện thoại to hơn 5” thì đây là một cách bố trí nút tốt. Bản thân những phím cứng trên máy cũng được cải thiện để dễ nhấn hơn chứ không bị chìm quá như M7 hay M8, riêng phím nguồn còn được khắc hoa văn tròn đồng tâm hơi nhám để chúng ta không bị lầm với nút tăng giảm volume. Rất đáng khen khi mà HTC quan tâm đến từng chi tiết trên sản phẩm của mình như thế này.
Chất lượng hoàn thiện cũng là điều làm mình thích thú khi sử dụng M9. Vẫn là một chất lượng cao cấp như mọi khi, các chi tiết được làm kĩ càng giúp cái điện thoại mình cầm trên tay không chỉ mang lại cảm giác hiện đại mà còn rất sang trọng, hay nói cách khác là cầm vào là muốn dùng ngay. Thật không ngoa nếu nói rằng M9 là một trong những chiếc smartphone được hoàn thiện tốt nhất đang bán trên thị trường.
Màn hình
HTC One M7, M8 đều là những smartphone sở hữu màn hình tuyệt vời và năm nay M9 cũng không là ngoại lệ. Hình ảnh rất nổi, màu sắc đẹp và cân bằng, độ sáng tốt giúp chúng ta dễ dàng xem nội dung ngay cả khi đi ra trời nắng gắt, trong khi góc nhìn thì rộng mà lại không làm sai màu. M9 vẫn dùng độ phân giải Full-HD 1080 x 1920 chứ chưa lên đến Quad HD 1440 x 2560 như các đối thủ đến từ Samsung hay LG, nhưng mật độ điểm ảnh vẫn đủ dày để chúng ta không thể nào nhìn ra được các điểm ảnh ở khoảng cách sử dụng thông thường. Về chất lượng hiển thị, mình không tìm ra điểm nào để chê One M9 cả.
Trong Sense 7, HTC còn có một tùy chọn mới để người dùng chỉnh lại kích cỡ chữ của toàn bộ hệ thống, và điều đó giúp ích rất nhiều. Thay vì để font chữ bình thường, mình chuyển xuống xài font nhỏ và kết quả là mình thấy được nhiều nội dung hơn, khi lướt web hay duyệt Facebook cảm thấy đã hơn. Nói cách khác, tùy chọn này giúp M9 tận dụng màn hình 5” một cách hiệu quả chứ không chỉ đơn giản là một giao diện được phóng lớn ra. Tất nhiên, nếu bạn không thích chữ nhỏ hay có vấn đề về mắt thì hoàn toàn có quyền chỉnh font chữ to ra, không sao cả.
Nhưng, lúc nào cũng có chữ nhưng, mình vẫn không hiểu vì sao HTC vẫn giữ lại viền màu đen khó chịu nằm ở cạnh dưới màn hình, nơi chỉ chứa độc nhất logo HTC và không có công dụng gì hơn. Các nút cứng cũng không nằm ở đây, mà HTC đã di chuyển nó thành phím ảo trên màn hình hết rồi. Kết quả là mình luôn nhìn thấy ba nút back, home, recent app trên màn hình và trải nghiệm với chuyện này không tốt chút nào. Nó khiến lượng nội dung hiển thị trên màn hình bị giảm, còn khi gõ bàn phím ảo thì phải với tay ngón cao hơn nên không thoải mái. Với giao diện Sense 7 HTC đã cho phép ẩn dãy phím này nhưng mỗi lần muốn xài thì phải gọi nó từ cạnh dưới màn hình nên tốn thêm một công đoạn nữa. Chưa kể đến việc mỗi khi sử dụng bàn phím thì dãy nút này luôn xuất hiện chứ không cách nào ẩn nó đi cả. Điều khó chịu này đã có từ M8, và M9 cũng không khác gì. Mình vẫn đang mong đến ngày HTC đem trở lại các phím vật lý như M7.
Loa
Chia sẻ với các bạn về dòng HTC One mà không nói về loa là một tội ác. M7 có loa BoomSound rất ấn tượng, M8 cải tiến hơn một chút và M9 lại tiếp tục hoàn thiện chất lượng âm thanh của sản phẩm. Loa của M9 thể hiện tiếng bass khá tốt, điều mà không nhiều chiếc điện thoại di động có thể làm được, trong khi dải treble thì không quá chát chúa, còn hiệu ứng stereo rõ ràng giúp đỡ rất nhiều trong lúc nghe nhạc. Tất nhiên nếu so M9 với loa chuyên dụng thì không thể nào bằng được, nhưng ít nhất nó mang lại cho mình cảm giác khác và “sướng” hơn rất nhiều khi nghe bằng loa ngoài. Ngoài ra âm lượng của M9 cũng lớn hơn một chút so với M8.
One M9 có 2 chế độ BoomSound, một thích hợp để nghe nhạc với chất âm ấm hơn, sâu hơn, cái còn lại thì giả lập âm thanh vòng phù hợp khi xem phim. Chúng ta có thể dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa các chế độ này từ thanh thông báo mỗi khi bật nhạc.
Camera
One M9 được HTC làm mới khá nhiều về máy ảnh: camera sau UltraPixel đã được thay bằng camera thường độ phân giải 20 megapixel, camera phụ mặt sau đã bị loại bỏ, còn máy ảnh trước thì chuyển sang xài UltraPixel để mang lại khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt hơn.
Tuy nhiên, nỗ lực của HTC nhằm cải thiện chất lượng ảnh chụp có vẻ như chưa được làm đến nơi đến chốn. Đồng ý là bây giờ độ phân giải đã cao hơn nhiều rồi đấy, nhưng ảnh khi chụp trong điều kiện thiếu sáng không tốt như những gì mình mong đợi. Ảnh bị khử noise quá mạnh tay khiến nó trở nên bệt hơn, chi tiết không còn được giữ lại tốt, màu sắc thì có vẻ như bị phai đi. À, còn chưa nói đến việc cân bằng trắng rất hay bị sai trong những cảnh thiếu sáng nữa. Còn khi chụp trong điều kiện đầy đủ sáng, One M9 cho ra chất lượng ảnh khá tốt, nhưng không chỉ M9 mà nhiều smartphone cao cấp khác cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Camera trước của máy giờ đã có công nghệ UltraPixel, nó thu nhận được nhiều ánh sáng hơn nên “tự sướng” tại những nơi thiếu sáng tốt hơn nhưng chất lượng ảnh từ camera trước cũng chỉ nằm ở mức bình thường chứ không thật sự quá xuất sắc.
Phần mềm chụp ảnh của M9 vẫn rất ngon lành: nó dễ dùng, có nhiều tùy chỉnh tay, khởi động nhanh và lại hỗ trợ cả ảnh RAW trong một bản update mới đây. Khả năng chụp liên tục hay tự điều khiển tốc độ, ISO vẫn là những thứ làm cho mình cảm thấy hài lòng với app camera mặc định. Tính năng làm mờ hậu cảnh cũng tỏ ra hiệu quả khá tốt, đặc biệt là khi chụp bokeh, giúp mang lại hiệu quả gần giống lúc chụp bằng DSLR vậy.
Sức mạnh - nhiệt độ
One M9 được HTC trang bị con chip 8 nhân Snapdragon 810 mới nhất, mạnh mẽ nhất của Qualcomm tính đến thời điểm hiện tại, kết hợp với đó là dung lượng RAM 3GB nên máy chạy vô cùng nhanh chóng và mượt mà. Giao diện Sense 7 cũng được tối ưu hơn với những hiệu ứng nhẹ nhàng khiến mình không cảm thấy chậm trong suốt quá trình sử dụng. Nhưng nếu bạn đang kì vọng một thứ gì đó nhanh hơn hẳn so với M8 thì có lẽ bạn sẽ không thấy như vậy ở M9 đâu, ít nhất là trong những tác vụ thường ngày như lướt web, xài mạng xã hội, chụp ảnh hay thậm chí là chơi game.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm là nhiệt độ của M9 ra sao, có bị nóng quá như tin đồn hay không? Câu trả lời là không. Hình ảnh M9 bị quá nhiệt bạn thấy trên mạng là của phiên bản chưa hoàn chỉnh, còn trên M9 được bán chính thức thì tình trạng này không xảy ra. Nếu bạn sử dụng máy liên tục trong một thời gian dài thì chắc chắn máy sẽ ấm lên rồi, nhất là khi kết nối 3G hay cầm đi chụp ảnh liên tục, nhưng đó là tình trạng chung của mọi smartphone chứ không chỉ riêng M9. Quan trọng nhất, đó là khi ấm lên thì M9 cũng không gây khó chịu khi cầm trên tay, và chúng ta vẫn có thể tiếp tục xài máy như bình thường.
Pin
Pin M9 có dung lượng 2840mAh, nhiều hơn một chút so với con số 2600mAh của One M8 trước đây. Thời lượng của M9 chỉ nằm ở mức bình thường, không quá tốt nhưng không cũng không quá tệ. Với những ngày xài nhiều, đặc biệt là khi đi chơi và chụp ảnh, pin của M9 có thể xài được từ 7 giờ sáng đến khoảng 4 hoặc 5 giờ chiều. Còn nếu cường độ sử dụng ít hơn, chủ yếu chỉ lướt web, check mail hay lên Facebook chơi và chụp vài ba bức ảnh lưu niệm thì pin có thể trụ được đến khoảng 8 hoặc 9 giờ tối.
Để có kết luận chính xác hơn thì chúng ta sẽ phải chờ bài thử nghiệm pin chi tiết, nhưng đánh giáchung thì pin M9 vẫn đủ dùng cho cả một ngày làm bình thường, bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này.
Phần mềm
Giao diện Sense 7 chính là tâm điểm của phần mềm trên M9. Giao diện này vẫn giữ lại những nét đặc trưng của Sense từ trước đến nay, tuy nhiên nó đã được làm phẳng hơn, hiện đại hơn và có nhiều hiệu ứng chuyển động mượt mà hơn. Tính năng mới của Sense 7 đa phần là cải tiến những gì đã có từ Sense 6 chứ không hẳn là bổ sung mới hoàn toàn, nhưng có một thứ đặc biệt mà mình muốn nói đến đó là Theme.
Khả năng đổi theme của Sense 7 cực kì mạnh mẽ, có thể nói là mạnh nhất từ trước đến nay xét trong phạm vi các công cụ theme được nhà sản xuất cài sẵn lên máy. Bạn có thể đổi màu chủ đề, đổi màu trong khu vực settings, tin nhắn hay trong các app mặc định, bạn cũng được quyền thay luôn các icon của ứng dụng theo ý mình. Và điều thú vị nhất nằm ở chỗ bạn có thể tự tạo theme với những nét riêng, dùng icon riêng, nhạc chuông riêng, tông màu riêng, thậm chí hình nền app nhắn tin hay màu app nghe nhạc cũng riêng luôn, không đụng hàng với bất kì ai cả.
Ngoài ra, Sense 7 còn có một số tính năng thông minh, ví dụ như Sense Home widget hay khả năng đề xuất địa điểm ăn uống tùy thời điểm trong ngày. Với Sense Home Widget, nó sẽ tự động học hỏi thói quen sử dụng của bạn ở nhà, ở cơ quan và khi ra đường, từ đó hiển thị chỉ những app mà bạn hay xài nên bạn không cần phải mất công tìm lại chúng. Nếu thói quen của bạn thay đởi thì các app hiện ra cũng thay đổi theo, khá tiện lợi, nhưng tính năng tương tự thế này thì rất nhiều app bên thứ ba đã làm được rồi nên Sense Home widget cũng không gây nhiều ấn tượng với mình.
Riêng phần mềm chỉnh ảnh, nó đã được HTC làm mới khá nhiều với các hiệu ứng vui vẻ và ngộ nghĩnh. Bạn có thể chèn các hình khối vào ảnh cho sinh động hơn, biến đổi tông màu của ảnh bên cạnh việc cắt cúp, chỉnh sửa thông số phơi sáng bình thường. Trong khi đó, tính năng Double Exposure thì cho phép bạn chồng tấm ảnh này lên tấm ảnh khác để tạo ra một ảnh mới mang đậm tính nghệ thuật. Với mình thì mình không sử dụng nhiều những chức năng này, mình thích để ảnh gốc hơn, nhưng nếu bạn có khả năng sáng tạo cao thì Photo Editor mới chắc sẽ làm bạn cảm thấy hài lòng.
Kết luận
Nãy giờ đọc dài dòng rồi, vậy câu hỏi là có nên mua One M9 không? Câu trả lời sẽ là có nếu bạn chưa dùng dòng One bao giờ hay đang cân nhắc sắm cho mình một cái điện thoại Android thuộc phân khúc cao cấp. Nếu bạn đang xài M7 thì việc nâng cấp lên M9 cũng rất đáng giá vì nó mang lại không chỉ thiết kế tinh tế hơn mà còn có nhiều tính năng hơn, hiệu năng cao hơn, camera đẹp hơn, loa hay hơn. Nhưng nếu bạn đang dùng One M8 rồi thì việc nâng lên M9 thật sự sẽ không làm bạn cảm thấy “sướng” bởi không có thay đổi nào lớn cả, chủ yếu M9 đã khắc phục được một số nhược điểm của M8 để việc sử dụng máy của chúng ta trở nên tốt hơn mà thôi. Những tính năng phần mềm của M9 rồi cũng sẽ có mặt trên M8 trong thời gian tới, kể cả bộ Sense 7 (giờ cũng đã có ROM Cook rồi đấy thôi).
Vẫn còn đó những hạn chế trên M9 mà mình xem là lớn và HTC cần phải khắc phục nó trong thế hệ One kế tiếp, đó là phần trống màu đen chứa logo HTC ở cạnh dưới màn hình, nút ảo trên màn hình và chất lượng camera. HTC có thể tận dụng phần đen đó làm nút back, home, recent app vật lý, còn không thì công ty phải nghĩ ra cách nào đó để các nút ảo không còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của chúng ta. Chất lượng camera thì đương nhiên sẽ phải tốt hơn rất nhiều so với hiện tại bởi một khi đã bỏ cả chục triệu ra để sắm một cái smartphone, mình kì vọng chất lượng ảnh của nó phải tốt hơn những gì mà M9 làm được.
Điểm mạnh:
Thiết kế vẫn đẹp, sang trọng, chất lượng hoàn thiện rất tốt
Màn hình đẹp
Loa vẫn rất hay
Giao diện Sense 7 mượt mà, khả năng đổi theme mạnh
Điểm yếu:
Thanh điều hướng ảo trên màn hình làm trải nghiệm bị giảm đi
Camera có cải tiến nhưng chưa thật sự ấn tượng
Nguồn: Tinh Tế
Tin khác:
- Hướng dẫn thay nắp lưng Galaxy A5 2017
- Hướng dẫn nhập mã iccid cho sim ghép
0 Bình luận đánh giá
Gửi đánh giá của bạn